Hội Khoa Học Nông Thôn Việt Nam tham gia góp ý Dự thảo Luật Trồng trọt
(ĐCSVN) - Ngày 20-21/3,
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và tổ
chức SEARICE đã tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm quốc tế
và tham vấn các bên liên quan về Dự thảo Luật Trồng trọt.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn, Dự thảo Luật Trồng
trọt gồm 7 chương, 82 Điều, quy định một số điểm mới so với các văn bản quy
phạm pháp luật trước đây.
Theo đó, Dự thảo Luật Trồng trọt quy định xã hội hóa công tác sản
xuất giống cây trồng. Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn cho biết, việc xã hội hóa sẽ
giúp nhiều loại giống mới ra đời, tạo cơ hội tốt cho người nông dân lựa chọn
giống cây trồng phù hợp với vùng sinh thái để phục vụ tối đa cho hiệu quả sản
xuất. Tuy nhiên, với nhiều giống mới ra đời, nông dân sẽ có sự chắt lọc để lựa
chọn sử dụng.
Liên quan đến vấn đề giống, TS. Đào Thế Anh – Phó Giám đốc
Viện KHNNVN, Phó
Chủ Tịch Hội Khoa Học Phát Triển Nông Thôn Viêt Nam cho biết thêm, trong lĩnh
vực nghiên cứu, chọn tạo nhân rộng giống sản xuất sẽ có quy định lại phù hợp
cho vấn đề khảo nghiệm, kiểm nghiệm theo hướng tạo điều kiện và khuyến khích
cho doanh nghiệp và khối tư nhân, đặc biệt là nông dân tham gia. Trong tương lai sẽ
khuyến khích tư nhân và các cá nhân tham gia nghiên cứu, chọn tạo, đầu tư sản xuất giống theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, một lĩnh vực rất mới trong dự thảo Luật là quy định
về canh tác sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng bền vững.
Theo đó, Dự thảo sẽ có những quy định về nguyên tắc hoạt động, quyền và nghĩa
vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động canh tác; phát triển bảo vệ vùng canh tác
hàng hóa tập trung và canh tác đặc thù.
Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi
trường Quốc hội nhận định, với việc sản xuất trồng trọt của nước ta còn ở mức
quy mô nhỏ lẻ, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, áp dụng khoa học
công nghệ còn gặp nhiều khó khăn,…đòi hỏi cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong công
tác quản lý nhà nước trong trồng trọt một cách toàn diện theo hướng phù hợp với
cơ chế định hướng thị trường. Hiện tại, các quy định về trồng trọt còn phân tán
trong nhiều văn bản khác nhau.
Tại hội thảo, GS. TS. Trần Duy Quý, Chủ Tịch Hội Khoa Học Phát Triển Nông Thôn Việt Nam đã đề xuất các ý kiến vào dự thảo
Luật Trồng trọt với các nội dung trọng tâm về: xu hướng và các vấn đề liên quan
đến sản xuất nông nghiệp bền vững, đề xuất trong xây dựng chính sách giống quốc gia có lợi
cho nông dân,
đa dạng di truyền thực vật phuc vụ nông nghiệp ở Việt Nam,…
Hội thảo kết thúc 12 h ngày 21/3./.