Ào ạt đào đất ruộng thả nuôi cá tra giống, rủi ro khó lường

Chủ đề thuộc danh mục 'Nhóm dịch vụ tiêu thụ nông sản' được đăng bởi lethuyngan, 03/05/2018

 Thời sự
ĐBSCL:

Ào ạt đào đất ruộng thả nuôi cá tra giống, rủi ro khó lường

Thứ Năm, 03/05/2018, 09:04 [GMT+7]

Sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống bán phá giá 2,39 - 7,74 USD/kg thì các doanh nghiệp cá tra Việt Nam phải loay hoay đối phó với quyết định này. Tuy nhiên, do giá cá tra rất cao, nên người nuôi ở khu vực ĐBSCL ùn ùn mở rộng diện tích, dẫn đến thiếu hụt con giống trầm trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, câu chuyện bột phát này đang tiềm ẩn những hệ lụy khó lường. 

Ào ạt nuôi cá tra sẽ dẫn đến thừa nguyên liệu. Nguồn: SGGP
Ào ạt nuôi cá tra sẽ dẫn đến thừa nguyên liệu. Nguồn: SGGP

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 4 chững giá ở mức cao, trung bình 28.000 - 30.000 đồng/kg, có nơi 31.000 - 32.000 đồng/kg do nguồn cung chưa có dấu hiệu tăng, trong khi nhu cầu vẫn cao.

Từ đó, nhiều địa phương ở ĐBSCL thả nuôi ồ ạt, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cá giống và đẩy giá cá giống lên mức cao.

Cụ thể, tính đến ngày 10.3, lũy kế diện tích thả nuôi cá tra toàn vùng là 1.927 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng nuôi cá tra của ĐBSCL trong 4 tháng đầu năm nay ước đạt 373.400 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ.

Trong đó, một số địa phương nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như: Đồng Tháp 118.400 tấn (tăng 9%), An Giang 98.100 tấn (tăng 3%), Cần Thơ 13.200 tấn (tăng 18,3%).

Theo SGGP, lâu nay diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL dao động mỗi năm 4.500 - 5.000ha (tùy theo giá cá tăng hay giảm). Chuyện diện tích nuôi cá tra giống tăng 1.000ha (chiếm gần 20% diện tích nuôi nguyên liệu) là ngoài tưởng tượng… 
 
Không phải Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre (3 tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất trong vùng), mà tỉnh Long An lại chính là địa phương đang “nóng” với chuyện đào ao nuôi cá tra giống.
 
Con đường cặp kênh KT9 từ xã Hưng Hà qua xã Hưng Điền B thuộc huyện Tân Hưng đang trở nên ồn ào hơn bởi những chuyến xe tải ngược xuôi chở thức ăn nuôi cá và chở cá tra giống từ đây về các tỉnh miền Tây.
 
Dưới đất ruộng (trồng lúa lâu nay) giờ đây là cảnh những xe Kobe đào tung từng thửa ruộng. Những người dân đang chạy theo phong trào nuôi “cá tra giống”.
 
Bà Diệp Thị Ngươn, 1 trong gần 10 hộ nuôi cá tra giống ở ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An cho biết: “Trung bình mỗi hécta nuôi cá tra giống nếu trúng có thể gấp 10 lần trồng lúa. Vụ rồi, gia đình tôi nuôi hơn 1ha cá tra giống bán giá 71.000 đồng/kg (loại 35 con/kg) lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha. Hiện gia đình tôi mở rộng diện tích lên 3,5ha”.
 
Bà Ngươn thừa nhận, việc nuôi cá tra giống tuy không khó nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Thường chu kỳ nuôi cá tra giống trong khoảng thời gian 60 -70 ngày. Giai đoạn đầu, cá dễ nhiễm bệnh, nếu không biết cách phòng bệnh, nguy cơ thất bại rất lớn.
 
Số vốn bỏ ra đầu tư trên 1ha nuôi cá cũng không hề nhỏ, nếu tính cả tiền đào ao, cá giống, thuốc, thức ăn… thì trung bình 1ha gần 200 triệu đồng. Và trong số rất nhiều người nuôi cá tra giống hiện nay, không phải ai cũng thành công.
 
Chỉ trong một thời gian ngắn, không chỉ bà Ngươn mà số hộ chuyển từ trồng lúa sang đào ao nuôi cá tra giống tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An tăng rất nhanh vì họ nghĩ có lãi nhiều. Tuy nhiên, theo nhận định của chính quyền địa phương cũng như người nuôi, nghề nuôi cá tra giống rủi ro khó lường.
 
Ông Lê Trường An, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B cho hay, thấy nhiều hộ dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống, lãi hàng trăm triệu đồng, thời gian thu hồi vốn lại ngắn nên ông cũng làm theo. Ban đầu ông vay mượn tiền gia đình rồi đầu tư hơn 1ha ao nuôi cá nhưng lỗ gần 140 triệu đồng vì thiếu kinh nghiệm. 
 
“Tôi thả hơn 10 xilanh (loại 10ml) giống, 3 ngày sau, dùng vợt kiểm tra, số lượng cá tra bột gần như không còn. Tôi phải xả hết nước, xử lý lại ao nuôi. Có hộ thả 5-6 lần mới được. Nuôi cá tra giống cũng bấp bênh vì giá cả, đầu ra chưa ổn định, đa phần người nuôi tự tìm thị trường tiêu thụ hoặc phụ thuộc thương lái các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang” - ông An lo lắng.
 
Thống kê chưa đủ của ngành nông nghiệp Long An, diện tích nuôi cá tra bột đã lên đến gần 1.000ha. Trên 80% số diện tích này tập trung tại huyện Tân Hưng và nhiều nhất tại xã Hưng Điền B.
 
"Mặc dù nuôi cá tra giống mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng địa phương không khuyến khích vì lo sợ, khi nuôi ồ ạt, đầu ra sẽ khó. Hiện chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, không tự ý chuyển mục đích đất lúa thành ao nuôi cá. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên", ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B cho biết.
 
Còn theo ông Trương Đông Hồ, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, hầu hết diện tích ao nuôi cá tra giống tại địa phương đều là nông dân tự ý chuyển đổi, không nằm trong quy hoạch của xã.
 
“Đối với các ao nuôi cá, địa phương cử cán bộ rà soát, lập biên bản đề nghị các hộ dân phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu các hộ dân không đồng ý, chúng tôi sẽ đề nghị khôi phục lại hiện trạng như ban đầu”, ông Hồ cho biết.
 
Có thể nói, qua bao “thăng trầm”, vùng nguyên liệu nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn tiềm ẩn rủi ro cao. Một thời người ta cảnh báo về nguy cơ các nhà máy chế biến thủy sản mọc lên như nấm sau mưa (công suất nhà máy vượt sản lượng) rất dễ dẫn đến phá sản.
 
Nhưng tâm lý kinh doanh “ăn xổi ở thì”, chạy theo “đuôi thị trường”, khiến gần như cả doanh nghiệp và nông dân đều không tuân theo quy hoạch và yếu tố thị trường giữa cung - cầu. Ai cũng đua nhau nuôi cá. Hệ lụy xảy ra là khủng hoảng thừa nguyên liệu, cá rớt giá khiến tất cả thua lỗ nặng nề.
 
Các ngành chức năng buộc phải “kêu cứu” với Chính phủ nhằm hỗ trợ giải quyết lượng cá tra tồn đọng. Trong khi các nhà máy chế biến cạnh tranh khốc liệt ở các thị trường tiêu thụ nước ngoài, tung ra không ít chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh.
 
10 năm qua, câu chuyện cá tra rơi vào cảnh “lo nhiều hơn mừng”. Mọi chuyện bắt đầu có “gam” sáng từ năm 2017, khi thị trường Trung Quốc đột nhiên tăng mạnh tiêu thụ cá tra ở khu vực ĐBSCL. Từ đó, giá cá tra ở ĐBSCL chuyển biến theo hướng có lợi cho nông dân. 
 
Tuy nhiên, nhiều nhiều người đang lo lắng hiện nay là những hộ có điều kiện kinh tế có thể trụ lại với nghề nuôi cá tra giống, nhưng những hộ nghèo dám vay mượn đào ao thả cá, rất dễ dẫn đến nguy cơ rủi ro, thiệt hại.
 
Khi thất bại, người dân muốn trồng lúa lại là một chuyện hết sức khó khăn. Vì vậy, người nông dân cần thận trọng trước khi quyết định đầu tư nuôi cá tra giống.
 
Các ngành chức năng ở Long An cho rằng, việc người dân tự ý đào ruộng lúa để nuôi cá tra giống sẽ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, đầu ra không ổn định.
 
Hiện, UBND tỉnh Long An đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, tuyên truyền và xử phạt hành chính đối với các hộ dân tự ý đào ao nuôi cá tra giống trên đất lúa tại các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
 
Cẩm Vân (Theo báo Long An, NLĐ, SGGP)

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN


Ngôn ngữ - Language

Thăm dò ý kiến






Xem kết quả

Thống kê

  • Đang online : 1
  • Ngày hôm nay : 0
  • Trong tháng này: 0
  • Tổng số lượt truy cập : 806840
  • Tổng số bài viết : 212
  • Tổng số thảo luận : 78

Đối tác

Diễn đàn nông dân hợp tác
Viet Nam Farmers' Cooperation Forum
Chủ tịch diễn đàn: Ông Lê Đức Thịnh;
Điện thoại: 0904 121 053; 
Email: leducthinh2010@gmail.com;